Luật & thủ tục

Độ pô xe máy có thể bị phạt nặng nhất 4 triệu đồng

Khái niệm về độ pô xe máy ban đầu chỉ đơn giản là móc, loại bỏ ống tiêu và lớp giảm thanh ở bên trong của chiếc pô nguyên bản để bộ phận này được thoáng hơn và phát ra âm thanh to hơn khi lưu thông trên đường. Những chiếc pô độ thường được dùng cho những xe độ công suất, nghĩa là đã can thiệp vào động cơ của xe.

Độ pô được chia thành 3 loại: Móc, độ từ pô zin của xe; Chỉ thay lon pô và giữ nguyên cổ pô; Thay cả lon pô và cổ pô, còn gọi là full-system.

Tuy nhiên, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

Cụ thể, theo quy định về Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7232:2003 về mô tô, xe máy - ống xả - yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử thì ống xả (pô xe) bao gồm ống dẫn khí thải và bộ giảm âm lắp trên mô tô, xe máy. Trong đó:

- Ống dẫn khí thải: ống để dẫn khí thải ra ngoài không khí; Bộ giảm âm: Thiết bị giảm độ ồn do khí thải.

- Ống xả được phân ra thành hai kiểu:

Kiểu một: ống dẫn khí thải và bộ giảm âm được lắp thành một hệ thống nhất.

Kiểu hai: ống dẫn khí thải và bộ giảm âm được tách thành hai phần riêng biệt nhìn thấy được.

Ống xả phải ở trong tình trạng tốt, không bị gỉ, bị móp méo hay có bất kỳ khuyết tật nào ảnh hưởng đến công dụng của nó. Bề mặt ống xả phải bóng, đẹp, lớp mạ bề mặt đều, các mối hàn đảm bảo kỹ thuật, ngấu và thấu đều, chắc chắn.

Đối với ống xả kiểu hai, mối ghép hàn cần được làm sạch sau khi lắp ráp. Các mối hàn hoặc mối nối phải được phủ hoặc phun sơn toàn bộ.

Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 đề cập việc bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:

Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều này đồng nghĩa với việc chủ xe máy không được tự ý thay đổi đặc tính của xe, không được độ bô.

Tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ( về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có quy định:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hành vi Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;

Như vậy, hành vi độ pô xe máy có thể bị phạt tới 2 triệu đồng với cá nhân và phạt tới 4 triệu đồng với tổ chức.

Nẹt pô xe máy bị xử phạt hành chính

Nhiều  chiếc xe sau khi được độ bô thì người điểu khiển phương tiện thường có hành động đi kèm là nẹt pô, rú ga ầm ĩ trên đường để thể hiện cá tính và “chất chơi”. Theo điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì nẹt pô trong khu dân cư yên tĩnh mỗi ngày sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Độ pô xe máy có bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe?

Theo khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm r khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ thì: Trường hợp độ pô xe máy sẽ không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Không thể gửi trả lời hay tương tác do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ
luật thì có nhưng có phạt đâu, hàng ngày đi đường mấy thằng trẻ trâu nẹt pô như gì mà chả thấy tóm, toàn tóm chị em với sinh viên


Bài viết liên quan





Cùng chuyên mục