Giá bán lẻ thực tế tại đại lý của nhiều mẫu xe máy bắt đầu rục rịch tăng do nguồn cung từ nhà máy tháng đầu năm giảm mạnh.
Theo khảo sát tại một số đại lý Honda ủy nhiệm (HEAD) tại Hà Nội, giá bán lẻ trao tay của một số mẫu xe tay ga được ưa chuộng như Vision, SH Mode hay Air Blade đang chênh vài triệu đồng so với giá đề xuất.
Chẳng hạn, giá bán của mẫu xe tay ga đắt khách nhất Việt Nam là Vision đang được các HEAD thông báo đến người tiêu dùng ở mức 34 – 34,5 triệu đồng đối với phiên bản tiêu chuẩn, phiên bản cao cấp và đặc biệt có giá khoảng 35,5-36 triệu đồng.
So với giá đề xuất từ nhà sản xuất Honda Việt Nam, giá bán thực tế tại đại lý của mẫu xe Vision đang chênh khoảng 3-5 triệu đồng tùy từng HEAD.
Mẫu xe đàn anh SH Mode cũng đang có giá bán lẻ tại đại lý cao hơn đáng kể so với giá đề xuất. Ví dụ phiên bản SH Mode tiêu chuẩn mới đang được một số đại lý chào giá 64,5 triệu đồng, bản cao cấp 76 triệu đồng và bản đặc biệt lên tới 77,5 triệu đồng.
Mẫu xe Honda Air Blade vốn không còn nhiều "sức nóng" trong khoảng 2 năm trở lại đây cũng rục rịch tăng giá. Khảo sát cho thấy, giá bán lẻ tại đại lý của Air Blade các phiên bản động cơ 125cc đang rơi vào khoảng 41,3-42,7 triệu đồng. Phiên bản Air Blade động cơ 160cc trang bị phanh ABS có giá 56-60 triệu đồng. So với giá đề xuất, giá bán lẻ tại đại lý của Honda Air Blade chênh trên dưới 1 triệu đồng.
Đáng chú ý là đa số các phiên bản trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS hiện không có xe để giao dù khách hàng đề nghị mua với mức giá chênh lệch đáng kể so với giá đề xuất.
Một số mẫu xe Yamaha cũng rơi vào cảnh tương tự. Đơn cử giá bán tại đại lý của mẫu xe Yamaha Janus hiện đang ở khoảng 29,5-33,5 triệu đồng, chênh vài trăm nghìn đồng so với giá đề xuất. Mẫu xe Yamaha Grande phiên bản giới hạn có giá 53,7 triệu đồng, bản đặc biệt giá 52,3 triệu đồng, chênh 1-2 triệu đồng so với giá đề xuất. Mẫu xe Yamaha Freego có giá hơn 40 triệu đồng, chênh khoảng 6 triệu đồng so với giá đề xuất.
Hiện tượng nhiều mẫu xe được ưa chuộng rục rịch tăng giá tại đại lý là khá bất ngờ. Bởi theo thông lệ hằng năm, khi nhu cầu mua sắm trước Tết nguyên đán của người dân tăng cao, giá bán lẻ trao tay thường được các đại lý nâng lên rất cao so với giá đề xuất. Tuy nhiên, trước Tết nguyên đán năm nay, giá xe máy được giữ rất ổn định, thậm chí nhiều mẫu xe được bán dưới giá đề xuất, một số mẫu xe đắt khác cũng không tăng.
Lý giải cho hiện tượng trái ngược này, theo đại diện một số đại lý, chủ yếu đến từ vấn đề nguồn cung từ các nhà máy sản xuất, lắp ráp. Cuối năm 2022 và đầu tháng 1/2022 (tức trước Tết nguyên đán), các nhà máy Honda và Yamaha đã chủ động được nguồn cung đến đại lý rất tốt, thậm chí có giai đoạn thừa xe, nên giá bán lẻ được ổn định và thậm chí giảm xuống.
Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung xe từ đại lý đang giảm mạnh dẫn đến một số mẫu xe bị thiếu hàng. Bởi vậy, các đại lý có xu hướng đẩy giá để bù đắp cho khoản lỗ từ những mẫu xe bán dưới giá đề xuất.
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất xe máy trong nước tháng 1/2023 chỉ đạt 228.400 chiếc, giảm đến 35,5% so với tháng liền trước và giảm 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xe máy xuất xưởng trong tháng 12/2022 đạt đến 354.000 chiếc.
Nguyên nhân dẫn đến sản lượng xe máy xuất xưởng tháng đầu năm giảm mạnh được cho là bởi rơi vào đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài. Dù vậy, cũng không loại trừ khả năng các nhà máy đang cắt giảm bớt công suất sau quãng thời gian tăng tốc nửa cuối năm ngoái.