Pin lithium-ion cháy không cần oxy mà bởi phản ứng hóa học bên trong pin. Pin cháy có thể đạt nhiệt độ lên tới 600 - 700 độ C.
Nếu dùng nước để dập lửa, nước gặp nhiệt độ cao sẽ tạo thành khí hydro sẽ gây nổ, tăng độ nguy hiểm. Loại bình cứu hỏa phổ biến là bình CO2 và bình bột hiện tại đều không thể dập tắt hoàn toàn cháy pin lithium-ion.
Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia nghiên cứu về chất chữa cháy Nguyễn Huy Công cho biết loại bột chữa cháy để làm loãng nồng độ oxy, dập tắt đám cháy thường không có tác dụng trong trường hợp cháy pin xe điện. Bình CO2 phun vào để làm lạnh nhằm dập tắt đám cháy nhưng độ lạnh cũng không đủ để dập tắt hoàn toàn.
Cách để dập tắt cháy pin xe điện là tìm cách giảm thật nhanh nhiệt độ của khối pin lithium-ion. Một vài loại bình chữa cháy gốc nước dùng công nghệ bọc phân tử có thể làm được nhiệm vụ này, nhưng giá thành của nó khá cao, gấp 2 - 3 lần trở lên loại bình chữa cháy phổ thông. Một bình có chữa cháy gốc nước thường có giá khoảng 600.000 đồng trở lên tùy vào dung tích.
Theo National Fire Chiefs Council - Hội đồng Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Anh, việc dập lửa pin lithium-ion cần nhiều thời gian để làm khối pin nguội đi, ngay cả khi đám cháy không còn vẫn phải theo dõi kỹ càng.
Khi pin xe điện bị cháy, nếu có thể, bạn hãy di chuyển xe ra khu vực thông thoáng, tránh vật dụng dễ cháy để không tăng nguy cơ hỏa hoạn. Bạn hãy lập tức liên hệ với lực lượng cứu hỏa để có biện pháp xử lý hợp lý.
Để phòng tránh tối đa nguy cơ cháy nổ từ pin xe điện, người dùng nên đảm bảo sử dụng và sạc pin theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Bảo dưỡng xe, thay pin định kỳ để phát hiện và khắc phục trục trặc sớm nhất.